Do studio Eidos Hungary phát triển, Battlestation: Pacific nối tiếp ngay sau mốc thời gian mà Battlestation: Midway kết thúc, tập trung vào những trận thủy chiến ác liệt trên biển Thái Bình Dương.
Bên cạnh chiến dịch của quân Mỹ đưa người chơi đến với những hòn đảo Guadalcanal, Leyte, Iwo Jima, Okinawa, game cũng thêm vào phần chơi chiến dịch của quân Nhật khởi đầu từ Trân Châu cảng đến vùng biển Java, cảng Moresby, Midway và nhiều địa danh lịch sử khác.
Vẫn tiếp tục giữ vững lối chơi "lai" giữa hành động và chiến thuật của mình, Battlestation: Pacific cho phép người chơi trực tiếp điều khiển các đơn vị quân hạ gục kẻ thù, đồng thời đưa ra những quyết định chiến thuật ảnh hưởng tới cả cuộc chơi. Bạn sẽ có cơ hội chạm tay vào rất nhiều các phương tiện chiến tranh của cả hai phía, tổng cộng gần 40 loại máy bay và hàng chục loại tàu khác nhau trong suốt 28 màn chơi chiến dịch của cả Mỹ và Nhật.
Tùy theo phương tiện bạn điều khiển mà cách chơi của game sẽ biến đổi theo. Chẳng hạn, bạn phải tránh né "lưới lửa" phòng không dày đặc của kẻ địch và ném bom chính xác xuống mục tiêu, hay len lỏi giữa cơn mưa những quả đạn nặng hàng trăm cân để tìm cơ hội nhấn chìm kẻ địch bằng quả ngư lôi trên con tàu phóng lôi của mình. Một vài phương tiện cho phép người chơi thử “cảm giác mạnh” như máy bay ném bom kiểu bổ nhào hoặc máy bay vận tải thả lính dù xuống các hòn đảo.
Trong cả hai chiến dịch, nhiệm vụ chủ yếu luôn luôn là chiếm lấy những hòn đảo rải rác trong màn chơi. Ngoài ra còn có một số màn chơi với những nhiệm vụ đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác, chẳng hạn khi bạn phải lẻn vào cảng Sydney bằng chiếc tàu ngầm mini của Nhật, hoặc sử dụng đội tàu nổi để săn lùng tàu ngầm địch có thể được ví như dùng chuột để… săn mèo.
Việc có thể tự do chuyển đổi giữa các đơn vị máy bay, tàu chiến và tàu ngầm cho phép người chơi trở nên linh hoạt trong các trận chiến đấu, vốn kéo dài và rất ác liệt trong game. Đáng tiếc là phần hành động của game được thực hiện rất tốt nhưng mảng chiến thuật lại bị bỏ quên, với chỉ vài tính năng như sắp xếp đội hình, ra mệnh lệnh cho các đơn vị hoặc xác định mục tiêu cho các cuộc pháo kích của chiến hạm.
Bên cạnh phần chơi đơn, Battlestation: Pacific cũng có phần chơi mạng với 5 kiểu chơi khác nhau là Island capture, Duel, Siege, Escort và Competitive. Nổi bật nhất trong số này là Duel và Island capture. Trong Duel, hai người chơi có thể thách đấu nhau xem ai sẽ phá hủy một mục tiêu nào đó trước, còn Island capture sẽ chia người chơi làm hai phe giành giật các hòn đảo nhằm mở khóa các đơn vị mạnh mẽ hơn và tiêu diệt phe còn lại.
Mỗi người chơi sẽ được lựa chọn loại phương tiện để điều khiển, và mỗi khi "tử trận", họ có thể lựa chọn loại máy bay hoặc tàu khác nhằm phản công đối thủ hiệu quả nhất. Các màn chơi đều rất rộng lớn nhằm tương xứng với kích thước và tốc độ của các đơn vị quân, nên bạn không cần phải lo chiếc máy bay của mình “đụng tường” khi đang vi vu trên không trung.
Mặc dù đòi hỏi cấu hình không quá cao, nhưng đồ họa của game có chất lượng rất khá. Các mô hình chiến hạm và máy bay đều được thiết kế chi tiết, người chơi có thể nhìn thấy các thủy thủ trên mạn tàu. Còn trong những trận chiến, hiệu ứng cháy nổ cùng những cột nước tung lên được thể hiện tốt. Quang cảnh một con tàu trúng đạn, những mảnh vụn tung ra, khói lửa bốc cao, thân tàu gãy đôi và chìm dần xuống nước hay những chiếc máy bay bốc cháy và nổ tung trên bầu trời mang lại cảm giác chân thực của chiến tranh.
Những đoạn cắt cảnh được dựng bằng chính engine của game khá tốt, và điều đáng nói nhất là game có thể đạt 50 khung hình/giây trên một cỗ máy tầm trung với mức đồ họa cao nhất ở độ phân giải phổ biến 1024*768. Phần âm thanh của game lại không ổn như đồ họa, mà lỗi “to tướng” nhất là việc lồng tiếng cho phe Nhật khá kém cỏi.
Nếu đã chán những tiếng súng "bé tí" của những chàng lính bộ binh thì tiếng nổ vang rền của những khẩu đại pháo trong Battlestation: Pacific chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng.