Địa chỉ Mới: 161C/101 Lạc Long Quân, P3, Quận 11, TP.HCM | 0906821220 | VIDEOS | TIN CÔNG NGHỆ | HỎI ĐÁP
HƯỚNG DẪN TRẢ GÓP
CHÍNH SÁCH BẢO HÀNH
CHÍNH SÁCH VẬN CHUYỂN
Ngày đăng: 27-08-2014
Lượt xem 827
Đánh giá 0 lượt đánh giá
Giá KM: 6.000 VND
GIỚI THIỆU:
CHI TIẾT:
Năm 2007, sự ra đời của Unreal engine 3 đã thôi thúc các nhà làm game tập trung đầu tư phát triển game dựa trên engine đa nhiệm này. Rất nhiều những tựa game nền tảng Unreal 3 đã ra đời như Unreal Tournament 3, Gears of War, Lost Oddyssey, Mass Effect... và chúng đều được game thủ lẫn giới phê bình đánh giá rất cao. Không bỏ qua thị phần béo bở này, Square Enix - “ông trùm” của thể loại RPG Nhật Bản cũng nhảy vào cuộc với tựa game nhập vai The Last Remnant (TLR) vào năm 2008.
Tuy nhiên, khi lần đầu game ra mắt trên hệ máy Xbox 360 và PS3, trái ngược với sự đón nhận nồng nhiệt của giới mộ điệu qua các chiến dịch quảng bá rộng rãi, Square Enix lại phải hứng chịu khá nhiều “gạch đá” bởi chính các fan trung thành của mình, bởi màn trình diễn của TLR không được suôn sẻ do có khá nhiều lỗi lặt vặt, trong đó phải kể đến là lỗi texture load chậm và khung hình trồi sụt thất thường. Không hề nản chí, hãng tiếp tục phát triển 1 phiên bản dành cho PC với nhiều cải tiến rất sáng giá mà gamer PC có thể “nở mày nở mặt”!
CỐT TRUYỆN: HAY, NHƯNG...
Trò chơi lấy bối cảnh một thế giới giả tưởng của khoa học, kiếm thuật và phép thuật. Người chơi sẽ vào vai Rush Sykes, một chàng trai trẻ trên đường tìm kiếm Irina Sykes, người em gái bị một thế lực bí ẩn bắt cóc. Anh vô tình bị cuốn vào những cuộc chiến tranh liên miên xảy ra giữa các chủng tộc trên thế giới, mà đứng đầu là 2 thế lực David - lãnh chúa xứ Athlum và một kẻ bí ẩn có sức mạnh kinh hoàng được biết đến với cái tên The Conqueror (kẻ chinh phạt). Bạn sẽ chứng kiến Rush từ một chàng trai trẻ bồng bột có phần “ngây thơ” trở thành một vị anh hùng trên thế giới của Remnant thông qua câu chuyện của game. Thế nhưng, có lẽ cốt truyện lại là điểm yếu nhất của TLR. Nói vậy không phải cốt truyện của game không hấp dẫn, mà trái lại, rất logic, có mở đầu, có cao trào, có kết thúc và các tình tiết thắt - mở hợp lý, nhưng lại không tạo được nhiều trải nghiệm mới mẻ cho người chơi, trước những tựa game đình đám khác vốn được xây dựng nội dung đậm chất điện ảnh! Điều này quả thực đáng tiếc với một tựa game được nhào nặn bởi bàn tay tài hoa của “phù thủy” Square Enix từ trước tới giờ!
GAMEPLAY: “TÂN” CỔ ĐIỂN!
TLR là một trò chơi nhập vai theo lượt (tương tự như các “đàn anh” đi trước là Final Fantasy, Dragon Quest hay Shin Megami Tensei...) nhưng phong cách theo lượt của game lại mang chút dáng dấp của thể loại game chiến thuật. Khi bước vào những trận đánh, bạn sẽ được điều khiển các Union, và mỗi Union sẽ bao gồm từ 1 đến 5 thành viên. Các Unions chịu ảnh hưởng bởi 2 chỉ số quan trọng là HP (máu) và AP (khả năng ra đòn). Mỗi khi bảng lệnh xuất hiện trên màn hình, thì lệnh đó sẽ được gán chung cho tất cả các thành viên trong Unions cùng thực thi một lúc, như vậy có thể thấy mỗi Unions tương ứng với một nhân vật trong các game nhập vai trước đó. Tận dụng đặc điểm này, TLR sẽ đem đến cho bạn những trận chiến đầy mãn nhãn với sự xuất hiện của gần 80 nhân vật trên màn hình! Nhưng có lẽ để tăng độ khó, Square Enix “đùa” khá ác: bạn sẽ phải để ý một chút đến chỉ số HP của mỗi nhân vật trong Union, nếu cột máu của chỉ một người tụt xuống mức 0 thì coi như Unions đó bị hạ gục, và việc bạn phải làm là tốn thêm một lượt đi quý giá của các Unions đồng đội để hồi sinh cho cả nhóm. Rất may là sau mỗi trận đánh, nhóm của bạn sẽ được phục hồi toàn bộ HP, cũng như game tự động lưu lại để nếu bạn có “sa cơ lỡ bước” thì cũng không phải chạy một đoạn dài như các tựa game RPG khác. Đây có thể nói là một thêm thắt đáng ghi nhận, và các trò chơi khác có lẽ cũng nên học hỏi.
Bạn có thể sắp xếp đội hình cho các Unions sao cho kế hoạch tác chiến được hiệu quả nhất, cũng như chỉ số của các thành viên sẽ được tối ưu tùy theo cách sắp xếp. Nếu sắp xếp đúng cách, bạn sẽ thấy ngay hiệu quả của nó khi mỗi thành viên đều có thể đỡ đòn hoặc tránh đòn tự động mà bạn không cần mó tay vào, hay những trưởng nhóm tốt như Rush và David có thể “lật ngược thế cờ”, chuyển bại thành thắng trong tích tắc với những tuyệt chiêu đầy uy lực! Trong các trận đánh, đôi khi sẽ xuất hiện các “Quick Time Event” tương tự như cách mà dòng game God of War thực hiện trước đó. Khi đang cao trào gay cấn, một phím bấm ngẫu nhiên sẽ xuất hiện trên màn hình trong một khoảng thời gian ngắn, và bạn sẽ phải canh đúng thời điểm vòng tròn lớn khép lại và bấm phím đó, tăng sức sát thương (hoặc phòng thủ) đáng kể cho các thành viên trong Unions!
Bên cạnh những trận chiến hoành tráng, với bản chất là một game nhập vai, TLR cũng có phần mua bán vũ khí, trang bị và item. Với đội hình đông đảo có thể lên tới hàng chục người, việc mua bán trong game có vẻ như là một “củ khoai” khó nhằn nhất! Rất may là bạn chỉ cần trang bị duy nhất cho Rush, những thành viên khác trong nhóm đến một thời điểm nào đó họ sẽ tự yêu cầu bạn cung cấp cho họ các món đồ hữu ích với họ mà bạn luôn có sẵn. Ngoài ra, bạn cũng có thể “tư vấn” cho các trưởng nhóm nên tập trung vào việc lên cấp kỹ năng, hay chỉ tập trung vào học phép thuật. Bằng cách nào? Rất đơn giản, muốn tăng cường kỹ năng nào, chỉ cần trong trận chiến, bạn ra lệnh cho các Unions sử dụng thật nhiều các kỹ năng đó và họ sẽ hỏi ý kiến bạn về việc tiếp tục tăng cường những gì sẵn có hay học hẳn cái mới! Điểm này khiến game trở nên “đời thường”, khiến người chơi như được “sống” cùng với các nhân vật trong game vậy!
Ngoài các nhiệm vụ chính theo cốt truyện, bạn có thể chủ động tìm kiếm những nhiệm vụ phụ khác trong các Guild hay thông qua những nhân vật bạn gặp trên đường đi. Những nhiệm vụ phụ này thường khá thử thách và hấp dẫn (chẳng hạn như bạn sẽ phải “đơn thương độc mã” mà “quần thảo” với cả một bầy quái vật!) và tất nhiên sẽ đem lại cho bạn một số tiền thưởng hay vật phẩm giá trị, cũng như cải thiện các chỉ số cho nhân vật. Đồng thời, khi đang thực hiện nhiệm vụ, bạn cũng có thể triệu hồi Mr. Diggs, một con “chuột chũi”, là nhân vật sẽ hỗ trợ bạn “đào bới” các mỏ (được đánh dấu bằng ánh lân tinh trên bản đồ) nhằm thu nhặt các món đồ quý hiếm để “bào chế” ra các loại thuốc hay trang bị mới cao cấp hơn cho Rush.
HÌNH ẢNH - ÂM THANH: KHÓ CÓ THỂ PHÀN NÀN!
Là một trong những game đầu tiên được Square Enix đưa lên nền engine Unreal 3, nên trước khi trò chơi ra mắt, nhiều người đã lo ngại rằng TLR sẽ chạy không ổn định bởi quy mô đồ sộ của nó trên giới hạn phần cứng của các máy console. Và như đã đề cập ở đầu bài viết, game chạy không ổn định và thời gian nạp cảnh khá lâu (khoảng 10-20 giây, tương tự như trò chơi Lost Oddyssey trước đó), phần nào khiến trải nghiệm của người chơi bị giảm hứng thú đáng kể. Thế nhưng, khi “đổ bộ” lên PC, mọi chuyện đã khác. Có thể nói, với sức mạnh phần cứng của các cỗ máy tân tiến, Square Enix đã cho xuất xưởng một TLR đẹp đến mê hồn! Tất cả những mô hình nhân vật đều được chăm chút cực kỳ sống động đến từng họa tiết hoa văn trên trang phục, hay nét biểu cảm trên khuôn mặt của họ! Hệ thống quái vật của game cũng rất đa dạng và độc đáo, bao gồm những con vật quen thuộc như con ốc mượn hồn to... gần bằng người, hay những quái vật chỉ có trong truyền thuyết như rồng Châu Âu, hay một con đại bàng khổng lồ mang dáng dấp của sư tử đầu chim... Tất cả đều gây ấn tượng mạnh cho người chơi!
Bên cạnh mô hình nhân vật và quái vật sinh động, một điểm đặc biệt nữa của TLR đó là việc game xây dựng những kiến trúc rất hoành tráng và đẹp mắt. Người viết cam đoan bạn sẽ không khỏi “há hốc” khi lần đầu bước chân vào Athlum và chứng kiến một thanh kiếm khổng lồ “tọa lạc” ngay trên cung điện của lãnh chúa David, hay phiên chợ náo nhiệt, tấp nập người qua lại ở thành phố Elysion... Những hiệu ứng ánh sáng, đổ bóng, áp dụng vân bề mặt và hiệu ứng làm mờ... đều được tận dụng triệt để tạo ra những khung cảnh thật kỳ vĩ và huyền ảo, đồng thời cũng khiến cho các trận đánh đầy choáng ngợp trở nên sinh động với những pha thi triển phép thuật hoặc triệu hồi cực kỳ “mãn nhãn”! Game thủ PC còn có thể tự hào với TLR bởi game chạy ổn định hơn nhiều so với 2 “người anh em” của nó trên console, và bạn còn có thể kích hoạt tính năng Turbo (mặc định là phím Shift và bạn có thể chơi game với một tay cầm Xbox 360 dành cho máy tính) để tăng tốc độ trận đấu và tốc độ nạp game, đem lại cảm giác chơi thoải mái hơn rất nhiều!
Hình ảnh xuất sắc, âm thanh cũng chẳng kém cạnh. Âm nhạc được Tsuyoshi Sekito, nhà soạn nhạc nổi tiếng từng tham gia các dự án game kinh điển của Square như Chrono Trigger, Final Fantasy Origins hay Front Mission Online “nhào nặn” nên chất lượng của chúng khó có thể chê vào đâu được. Những bản giao hưởng hùng tráng đậm chất chủ nghĩa anh hùng, hay những khúc nhạc tươi vui khi bạn đặt chân vào một khu phố mua bán... tất cả đều rất tuyệt! Thư viện âm thanh bao gồm tiếng bước chân, tiếng gầm gừ của quái vật, tiếng binh khí chạm nhau... đều được thực hiện tốt và không hề gây cảm giác khó chịu cho người chơi. Khâu lồng tiếng được đầu tư rất kỹ lưỡng, đặc biệt là chất giọng của Rush được Johnny Yong Bosch - người lồng tiếng cho nhân vật Nero trong Devil May Cry 4 đảm nhận nên rất có hồn và biểu cảm! Tuy đôi khi cảm giác trầm trồ bị phá hỏng bởi diễn hoạt của nhân vật không phù hợp với lời nói, nhưng đó cũng chỉ là những tiểu tiết, không ảnh hưởng nhiều tới những yếu tố xuất sắc mà trò chơi đã thể hiện!
“THE LAST CONCLUSIONS”
Nếu bạn không phải là một gamer quá khó tính về mặt nội dung và thích “vạch lá tìm sâu”, thì bạn hoàn toàn có thể bị đắm chìm trong thế giới của The Last Remnant. Tóm lại, với hình ảnh đẹp mắt, âm thanh sống động và lối chơi nhiều nét đột phá, các game thủ của “lãnh địa” máy tính đã có thể tự hào vì mình đang sở hữu một trong những tựa game RPG xuất sắc nhất từ trước đến nay!
*Ưu điểm:
- Lối chơi cổ điển mà mới lạ!
- Hình ảnh tuyệt đẹp
- Âm thanh chất lượng cao
*Khuyết điểm:
- Cốt truyện không đột phá
- Đòi hỏi cấu hình khá cao!
OS: Windows XP/Vista/7
CPU: Intel Core 2 Duo 2GHz/AMD Athlon X2 2GHz
RAM: 1.5GB
HDD: 15GB
VGA: 256MB GeForce 8600